Bài viết trên trang vnexpress.net 'Không cần du học để giỏi tiếng Anh'
Theo Giám đốc Quốc gia Cambridge Assessment English, nhiều người giỏi ngoại ngữ nhờ chủ động thực tập các kỹ năng, chứ không chỉ chờ vào bài học trong lớp.
Bà Phạm Hoàng Uyên - Giám đốc Quốc gia Hội đồng khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge Assessment English) khu vực Đông Dương chia sẻ phương pháp học tiếng Anh hiệu quả cũng như lợi ích mà các kỳ thi và chứng chỉ Cambridge mang lại.
- 18 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 12 năm đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Cambridge Assessment English, bà đánh giá thế nào về quá trình học ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam?
- Nhu cầu "biết" tiếng Anh đã dần được nâng cấp thành nhu cầu "thông thạo" tiếng Anh. Nhiều trung tâm ngoại ngữ ra đời giúp mọi người có cơ hội tiếp cận phương pháp học tốt và đúng cách, bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ cũng như các nền tảng trực tuyến. Qua thời gian, việc học tiếng Anh tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều, đặc biệt là trong nhà trường, khi tiếng Anh trở thành môn học chính. Nhờ đó mà học sinh ngày nay có vốn ngoại ngữ tốt hơn các thế hệ trước.
Tuy nhiên, một số người vẫn xem ngoại ngữ như một môn học buộc phải qua ở trường để lấy bằng chứ chưa coi đó là kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Việc theo đuổi các kỳ thi chỉ hiệu quả cho tương lai của người học khi quá trình học và thi thực sự có thể giúp họ nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh thực tiễn. Tại Cambridge, chúng tôi có bộ phận nghiên cứu nhằm đảm bảo các kỳ thi Cambridge mang đến tác động tích cực nhất cho quá trình dạy và học.
- Các kỳ thi và chứng chỉ của Cambridge Assessment English giúp ích thế nào trong việc nâng cao những kỹ năng như bà chia sẻ?
- Tại Việt Nam, hệ thống chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge Assessment English dành cho khối trường học là phổ biến nhất. Hệ thống này bao gồm một loạt các chứng chỉ tiếng Anh với nhiều cấp độ từ thấp đến cao, với mỗi một kỳ thi hướng đến một cấp độ cụ thể như Starters, Movers, Flyers, Key (KET), Preliminary (PET), First (FCE), Advanced (CAE), Proficiency (CPE), nhằm khuyến khích và động viên người học từng bước nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Tất cả chương trình thi đều dựa trên những nghiên cứu sâu rộng của Cambridge, giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng ngôn ngữ gồm nghe, nói, đọc, viết.
Các bài thi không chỉ gói gọn trong hình thức trắc nghiệm mà còn có nhiều dạng câu hỏi khác nhau để người học ứng dụng và giải quyết những tình huống thực tế. Vì vậy bài thi của Cambridge thiết kế với những tình huống cụ thể và người thi cần vận dụng khả năng thấu hiểu ngôn ngữ để giải quyết. Điều này giúp thí sinh nắm vững các kỹ năng ngôn ngữ giao tiếp trong lâu dài và vốn tiếng Anh thực sự hữu ích trong suốt quá trình học tập và làm việc. Đây được xem là lợi thế lớn cho các ứng viên khi đi xin việc mà các kỳ thi của Cambridge Assessment English mang lại.
- Lợi thế lớn mà bà đề cập cụ thể là gì?
- Năm 2016, chúng tôi cùng tổ chức nghiên cứu giáo dục quốc tế QS (Quacquarelli Symonds) thực hiện khảo sát với 5.300 nhà tuyển dụng tại 38 quốc gia. Các nhà tuyển dụng cho biết có một lỗ hỏng trong bất kỳ ngành nghề nào giữa năng lực tiếng Anh mà công việc yêu cầu và năng lực mà người lao động thật sự có. Ở những nước mà tiếng Anh không được sử dụng như ngôn ngữ chính thức, 50% nhà tuyển dụng nói rằng họ sẵn sàng trả mức lương cao hơn cho người lao động có đủ năng lực ngoại ngữ để thực hiện tốt công việc. Người Việt vẫn còn bất lợi ở phần này bởi nhiều người chưa thật sự tập trung vào kỹ năng giao tiếp mà đôi khi học chỉ để lấy bằng, dẫn đến những hệ quả sau này không đáp ứng đủ năng lực cho công việc.
Bà Phạm Hoàng Uyên là Giám đốc Quốc gia Hội đồng khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge Assessment English) khu vực Đông Dương. Ảnh: NVCC.
|
- Vậy làm sao để cải thiện năng lực tiếng Anh nhằm đạt những lợi thế trong công việc?
- Theo tôi, việc học ngoại ngữ phải chú trọng ba yếu tố. Thứ nhất, ai cũng có thể học tiếng Anh, nhưng nếu có niềm đam mê sẽ học tốt hơn. Việc học ngoại ngữ cần phải nhẹ nhàng, không tạo áp lực, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Thứ hai, học tiếng Anh cần kiên trì và có lộ trình rõ ràng, đi từng bước chứ không thể quá vội vã. Ngày xưa tôi đi dạy tiếng Anh và chứng kiến nhiều bạn mới vào học cấp độ Sơ cấp đã muốn đăng ký thi tham gia một kỳ thi mang tính học thuật như IELTS, việc này sẽ khiến các bạn bị đuối và mất động lực.
Thứ ba cần phải xác định rõ học ngoại ngữ là để sử dụng chứ không phải học để biết, cần phải tập trung cả 4 kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết, và học cách sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế chứ không chỉ là học ngữ pháp hay từ vựng.
Tôi cho rằng không nhất thiết phải đi du học mới giỏi tiếng Anh vì thực tế cho thấy nhiều người học ngay tại Việt Nam vẫn có vốn ngoại ngữ rất tốt trong cả bốn kỹ năng. Sự phát triển của công nghệ ngày nay cũng giúp cho việc học và trau dồi tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Quan trọng là bạn phải thật sự cởi mở trong việc tiếp cận, tự mình tìm thấy cơ hội để thực tập tiếng Anh chứ không chỉ chờ đợi vào những bài học trong lớp.
Việc học ngoại ngữ giờ đây đã khác xưa rất nhiều, hãy bước ra ngoài và tìm kiếm cơ hội giao tiếp với những người nước ngoài đến từ các nước nói tiếng Anh. Đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam phát triển như hiện nay thì không thiếu cơ hội để thực tập với người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch.
- Nhiều phụ huynh muốn con mình đạt được các chứng chỉ tiếng Anh khi tuổi còn rất nhỏ. Theo bà độ tuổi nào học tiếng Anh là thích hợp nhất?
- Điều quan trọng nhất là cho trẻ sự tự tin và khuyến khích các em xem việc học tiếng Anh như một niềm vui trong cuộc sống chứ không chỉ là môn học ở trường. Do đó, phụ huynh không nên đặt quá nhiều áp lực mà hãy để con mình tập trung vào những điều mà các em cảm thấy vui thích trong quá trình học ngoại ngữ, có thể là xem phim phụ đề, nghe nhạc hay chơi game bằng tiếng Anh.
Cũng chính vì thế, các kỳ thi tiếng Anh thiếu nhi của Cambridge được thiết kế nhằm tạo cho các bé niềm đam mê học tập. Các bài thi của chúng tôi gồm rất nhiều tranh vẽ màu sắc với các yêu cầu tô màu, vẽ hình tạo cho bé cảm giác như mình đang chơi một trò chơi. Các em thi xong đều nhận được chứng chỉ, giúp các em tự tin tiếp tục thử sức với các cấp độ cao hơn. Cambridge Assessment English không ngừng sáng tạo trong việc đem lại cho thiếu nhi các sản phẩm “chơi mà học” như việc học tiếng Anh qua bài hát hoặc các trò chơi trên máy tính...
Không có một nghiên cứu cụ thể rằng trẻ em nên bắt đầu học tiếng Anh từ độ tuổi nào là phù hợp nhưng các nhà ngôn ngữ, tâm lý học khuyên nên bắt đầu từ nhỏ vì đây là độ tuổi dễ tiếp thu những điều mới, đặc biệt là ngôn ngữ. Nếu phụ huynh có năng lực ngoại ngữ thì có thể tập cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn bé, tạo môi trường thực hành ngay tại nhà cho trẻ.
Bà Phạm Hoàng Uyên có bằng cao học và thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh từ các trường đại học ở Singapore và Australia.
Trong 12 năm làm việc tại Cambridge Assessment English, bà đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng; từng làm việc với nhiều cơ quan để mang đến các chương trình khảo thí tiếng Anh theo chuẩn quốc tế giúp học viên Việt Nam phát triển kỹ năng tiếng Anh, nâng cao cơ hội học tập và nghề nghiệp.
Trương Sanh
Theo nguồn tin của báo vnexpress.net.
Đường link bài gốc:
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/khong-can-du-hoc-de-gioi-tieng-anh-3813263.html